Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm ở hữu ngạn sông Trà Giang thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, cách trung tâm thành phố Thái Bình chừng 20 km về phía đông.
Theo ghi chép, làng Đồng Xâm vốn có tên là Đường Thâm, hình thành vào cuối thời Trần cách đây hơn 600 năm. Thế nhưng, nghề chạm bạc thì tồn tại ở đây khoảng 400 năm. Theo văn bia tại đền thờ tổ nghề chạm bạc, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu chính là người đã về đây truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc, theo mô hình, một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ…
Đồng Xâm từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng chạm bạc độc đáo. Sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Bỉ, Ý…Hàng chạm bạc của Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội hơn so với hàng bạc của các địa phương khác ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm; ở cách bố cục trang trí tinh vi mà cân đối, nổi rõ chủ đề chính; ở thủ pháp xử lý sáng – tối nhờ biết tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Hiện nay, thế mạnh của Đồng Xâm xoay quanh ba dòng sản phẩm chính: đồ trang sức, mỹ nghệ và đồ thờ cúng. Đồ trang sức gồm nhiều loại như: dây chuyền, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, thánh giá… bằng bạc. Đặc biệt, mặt hàng được khách hàng ưa chuộng và đông hộ gia đình làm nhất là đồ thờ cúng, từ các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai…
Đến thăm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, du khách có cơ hội được ghé thăm Đền Đồng Xâm. Đây là một một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình Thị Hoàng Hậu ( Vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu ( vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông. Đền Đồng Xâm có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.
Hội đền Đồng Xâm được tổ chức từ mồng 1-3 tháng 4 Âm lịch. Mở đầu lễ hội là đám rước bà Trình thị lên đền Đức thánh Triệu vào chiều 30 tháng 3 âm lịch. Sau khi tế, người ta rước tượng Đức bà lên kiệu về đền, tới đền, tượng Đức bà được đặt bên cạnh tượng Đức thánh Triệu trong suốt mấy ngày hội. Hội tan, dân làng lại tổ chức rước bà hoàn cung. Hội thường có nhiều lễ thức, nhiều trò đua tài cuốn hút trai gái trong vùng tham gia như: đấu roi, đấu vật, hát chèo, hát ca trù… Sôi nổi nhất là cuộc thi đua thuyền của thanh niên trên sông Vông. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các sản phẩm chạm bạc của làng cũng được trưng bày và bán làm làm đồ lưu niệm cho du khách để giới thiệu và quảng bá thêm về nghề truyền thống này.